Nghề chọn người – người chọn nghề
Nhớ lại, lúc học cấp 3, thế hệ 7x như chúng tôi vẫn thường bảo nhau, đến năm 35 tuổi mà chưa có chức danh gì thì coi như mình đã thất bại. Rồi, như thế, chúng tôi bước vào giảng đường đại học, ai học giỏi môn gì thì thi vào trường đại học tuyển sinh các môn ấy, giỏi toán thì thi Bách khoa, giỏi hóa, giỏi lý thì thi Tổng hợp, giỏi văn sử địa thì thi Nhân văn, ai không đậu được các trường đó thì ghi danh vào Đại học mở bán công, chọn 1 ngành nào đó vừa đủ điểm trong học bạ…và như thế, sau 4 thập niên, lứa chúng tôi ngày ấy thành danh cũng có, đi làm thuê cũng có, tự kinh doanh cũng có, nhưng hầu như, ít ai làm đúng công việc mà mình đã học, ngoại trừ các bạn có năng khiếu thi vào các trường chuyên ngành đặc thù như Kiến trúc. Nói như thế để thấy, người xưa đúc kết câu ” Nghề chọn người” là thực tế.
Hội thảo khởi nghề khởi nghiệp do Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật và Viện phát triển Doanh nghiệp và tài năng trẻ Việt Nam tổ chức
Thế hệ trẻ ngày nay, với không gian sống không chỉ là vùng trời mơ ước như ngày xưa mà các bạn được tiếp cận với công nghệ, có quá nhiều điều kiện để phát triển kỹ năng, năng khiếu và nền tảng cơ bản về nhận thức, về quan điểm khác nhiều thế hệ đàn anh. Việc được tiếp cận với các phương pháp giáo dục hiện đại, tìm hiểu các khuynh hướng và giao tiếp đa dạng qua nền tảng internet giúp cho thế hệ ngày nay có nhiều cơ hội hơn trong tiếp cận, phát hiện và nuôi dưỡng đam mê, năng khiếu của bản thân. Chính vì vậy, khuynh hướng các bạn trẻ chọn đúng ngành để học, để làm, để phát huy và thành đạt ngày càng nhiều hơn. Và, nói như thế cũng để thấy rằng, nói: “người chọn nghề” là thực tế.
Tuy nhiên, việc người chọn nghề hay nghề chọn người vẫn là vấn đề cần được quan tâm, chia sẻ, nhất là đối với các nhà quản lý giáo dục, ở các bậc đào tạo. Việc định hướng tương lai, lựa chọn môi trường phù hợp để học tập, phát triển năng khiếu bản thân không thôi là chưa đủ mà cần phải có các bước tiếp theo để nâng tầm tài năng, phát triển tri thức để cho nguồn năng lực chảy đúng hướng. Start up – khởi nghiệp trong những năm gần đây là hoạt động được các doanh nghiệp quan tâm, hỗ trợ. Thông qua các hoạt động này, các chuyên gia truyền lửa khát vọng, định hướng nghề nghiệp, tạo động lực để sinh viên tự mở cánh cửa bản thân, đặt mục tiêu và biết cách thực hiện mục tiêu để thành công.
Lĩnh vực Văn hóa – Nghệ thuật là lĩnh vực thiên về năng khiếu, thành công trong lĩnh vực này thường do tài năng và phụ thuộc nhiều vào thị hiếu thẩm mỹ của xã hội theo từng giai đoạn, giới trẻ ngày nay gọi đó là “trend”. Đã là “trend” thì không mang tính bền vững và dễ thay đổi, bắt “trend” cho sự nghiệp có thể là xu thế nhưng chưa hẳn là sự lựa chọn thông minh. Làm thế nào để căn bằng giữa đam mê – sự nghiệp – xu thế – bền vững chính là câu hỏi mà hầu hết sinh viên ngành Văn hóa nghệ thuật trăn trở ngay từ khi còn đang theo học và cả khi đã trang bị đủ kiến thức, đủ hành trang nhưng vẫn phải dò dẫm bước đi trong ánh hào quang của các đàn anh đi trước.
Bà Hồ Ngọc Minh – Phó Hiệu trưởng phụ trách trường CĐ.VHNT TP.HCM
ký kết giao ước hợp tác cùng 9 đon vị hoạt động trong lĩnh vực Văn hóa Nghệ thuật và phát triển tài năng
“Your ART is your CAREER” – “Nghệ thuật của bạn là sự nghiệp của bạn” Hội thảo khởi nghề khởi nghiệp do trường Cao Đẳng văn hóa Nghệ thuật Thành phố Hồ Chí Minh kết hợp cùng Viện Phát triển Doanh nghiệp và Tài năng Việt Nam tổ chức nhằm giải đáp các vấn đề nêu trên cho sinh viên khối ngành Văn hóa Nghệ thuật. Nội dung của hội thảo được các diễn giả là chuyên gia của nhiều lĩnh vực như: Đạo diễn Doanh Liên; Chuyên viên Tâm lý Anh Kiệt; cùng nhiều chuyên gia đến từ các công ty: Vườn Ươm Khởi nghiệp Việt; Công ty Âm Nhạc Việt Thương; Công ty My Xteam; Công ty cổ phần Anh và Stars; Công ty Cổ phần Chỉ số tín nhiệm Quốc tế EBIV… chia sẻ, truyền lửa và bước đầu tạo lập ý tưởng khởi nghiệp cho sinh viên chuyên ngành Văn hóa nghệ thuật. Đây là cách làm quản lý giáo dục hiện đại, kết nối giữa chất lượng đào tạo và nhu cầu của xã hội, từ đó năng cao chất lượng đào tạo, giúp cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp xây dựng chuẩn đầu ra mang tính thực tế cao, và, điều đó, khẳng định khái niệm “Người chọn nghề” là khái niệm mà thế hệ trẻ tài năng đang hướng đến.
Chuyên gia chia sẻ, trao đổi và định hướng các vấn đề mà sinh viên quan tâm
Bài và ảnh: Phạm Trung