Nhằm hưởng ứng kỷ niệm 15 năm ca trù được Unesco công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại cần bảo vệ khẩn cấp và nhằm tôn vinh, bảo tồn nghệ thuật ca trù trong trường học. Đồng thời, cung cấp kiến thức hữu ích về loại hình nghệ thuật độc đáo Ca trù cho giảng viên, cán bộ, sinh viên của nhà trường để có thể ứng dụng vào các chuyên ngành đang đào tạo tại trường. Qua đó khơi dậy niềm yêu thích ca trù và tinh thần muốn được giữ gìn, phát triển giá trị tinh hoa văn hóa dân tộc của sinh viên trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Thành phố Hồ Chí Minh.
Được sự đồng ý của Ban Giám hiệu, Bộ môn Kiến thức Cơ bản, trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức chương trình “Ca trù – Tinh hoa Việt”.
Đến tham dự chương trình có:
- Nguyễn Minh Trí – Chánh Văn phòng Sở Du lịch TPHCM
- TS. Nguyễn Tấn Anh – Giám đốc Trung tâm Unesco bảo tồn và Phát triển Đờn ca tài tử Nam bộ
- Bà Nguyễn Thị Hải – Phó Giám đốc Trung tâm Unesco bảo tồn và Phát triển Đờn ca tài tử Nam bộ
- Ông Nguyễn Thành Nguyện – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển bảo tồn Văn hóa nghệ thuật Đông Nam Á
- Ông Nguyễn Hữu Phước – Phó Chủ tịch Sohafarm Corporation
- Bà Lê Tú Cẩm – Nguyên Hiệu trưởng trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật TPHCM – Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Thành phố
- TS. Huỳnh Quốc Thắng – Nguyên Hiệu trưởng trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật TPHCM
- Bà Phùng Thị Thu Thủy – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ Phần Phú Trường Quốc Tế – Chủ nhiệm CLB Di sản áo dài TPHCM
- Bà Phan Yến Ly – Giám đốc Công ty Tư vấn, Truyền thông và Sự kiện Cánh Cam
- Áo dài Năm Tuyền
- Lê Thị Ngọc Điệp – Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH KHXH&NV TPHCM
- Trương Thị Lam Hà – Phó trưởng khoa Văn hóa học Trường ĐH KHXH&NV TPHCM
- Đại diện các Trường bạn: ĐH Sư phạm TPHCM, ĐH Nguyễn Tất Thành, ĐH Văn Lang, CĐ Bách khoa Bách Việt, CĐ FPT PolyTechnic TPHCM
- Cơ quan báo đài: Thời báo Văn học – Nghệ thuật, HTV, VTC, …
Mở đầu chương trình là 2 ca khúc Cũng sẽ chìm trôi (cố Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn), Trên đỉnh Phù Vân (cố nhạc sĩ Phó Đức Phương) mang âm hưởng ca trù với những ca từ thể hiện sự kết nối liêng thiêng giữa quá khứ và hiện tại, giữa đất trời và vạn vật.
Những giá trị của nghệ thuật ca trù được thể hiện trên sân khấu qua hình thức giao lưu với các nghệ sĩ Cao Minh Hiền, nghệ sĩ Mạnh Hùng, nghệ sĩ Mai Thanh Sơn, nghệ sĩ Ánh Tuyết, nghệ sĩ Tây Phong.
Nghệ sĩ Cao Minh Hiền – người yêu mến các loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian như yêu chính hơi thở của mình trong cuộc sống, người được mệnh danh là “Hiền Ru” có thể hát các bài hát ru 3 miền, hát ru được 5 tiếng dân tộc Mông, Tày, Thái, Nùng, Cao Lan. Tiếng hát đào nương Ca trù Cao Minh Hiền mang đến những nét mới trong cách hát ca trù đương đại với những cách luyến láy, ngân rung đặc biệt khiến người nghe hiểu hơn về kỹ thuật hát ca trù của đào nương.
Nghệ sĩ Mạnh Hùng mang đến cho người nghe những cung bậc cảm xúc qua ngón đàn đáy điêu luyện và chia sẻ những câu chuyện ra đời của ca trù, các tên gọi của ca trù và đặc biệt là trải lòng về những giá trị văn hóa – nghệ thuật của cây đàn đáy.
Nghệ sĩ Mai Thanh Sơn được sinh ra trong gia đình có truyền thống âm nhạc dân tộc, là người nghệ sĩ với hướng đi táo bạo khi đưa đàn nguyệt của Việt Nam lên sân khấu âm nhạc thế giới để có thể cùng hoà tiếng nói với các nhạc cụ Tây phương. Trong chương trình, nghệ sĩ Mai Thanh Sơn lần lượt biểu diễn đàn nguyệt, đàn đáy và đặc biệt và giới thiệu và biểu diễn trống chầu trong ca trù.
Nghệ sĩ Ánh Tuyết – thành viên của nhóm Nhạc Gõ Phù Đổng – nhóm nhạc gõ dân tộc gia đình nổi tiếng của Việt Nam, là nữ nghệ sĩ Việt Nam đầu tiên trình diễn đàn đá ở nước ngoài. Đến với chương trình, cô chia sẻ về cái nôi nuôi dưỡng tâm hồn nghệ thuật của mình từ các anh chị trong gia đình, cô vừa gõ phách vừa ngân nga “Hồng Hồng Tuyết Tuyết” của Dương Khuê – một trong những bài mẫu mực của nghệ thuật Ca trù.
Đạo diễn – nghệ sĩ Tây Phong với hơn 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực sân khấu. Anh đã thực hiện rất thành công các chương trình âm nhạc dân tộc – đương đại như Đêm ả đào, Đêm quan họ, Đêm nguyệt cầm. Anh đã mang đến chương trình trích đoạn sân khấu “Cậu Trời” (Tác giả: Lê Chí Trung; Đạo diễn: Tây Phong cùng các diễn viên: Tây Phong vai cậu Trời – Đặng Mậu Lân, Cao Minh Hiền vai gia nhân, Cao Thanh Danh vai Quận Huy, Quỳnh Thư vai Quận Chúa). Sự khéo léo của đạo diễn, sự tinh tế trong diễn xuất của diễn viên, đặc biêt nghệ thuật ca trù được đưa vào một cách nhịp nhàng, uyển chuyển đã thổi một sinh khí mới vào các trích đoạn chính sử nước nhà.
Xuyên suốt chương trình là những mảnh ghép về những giá trị làm nên bề dày lịch sử, chiều sâu nghệ thuật của ca trù qua người dẫn chuyện – ThS. Văn hóa học Trần Đăng Kim Trang – MC chương trình. Từ những câu chuyện đời thường của những nghệ nhân gắn bó một đời với ca trù cho đến những câu chuyện linh thiêng khiến ca trù thêm phần u hiển.
Thư pháp gia Thanh Hương đã đến tham dự và tặng chữ cho khán giả. Với tấm lòng yêu thư pháp Việt, cô đã thổi hồn qua từng nét chữ và bình giải về ý nghĩa về những con chữ đến tay từng khách mời.
GS.TS. Nguyễn Tấn Anh – Chuyên gia về UNESCO, Giám đốc Trung tâm UNESCO Khoa học, Công nghệ và Tư vấn đầu tư phát triển, Giám đốc Trung tâm UNESCO Bảo tồn và Phát triển Đờn ca tài tử Nam Bộ trải lòng sau khi xem chương trình “Tôi vô cùng cảm ơn các nghệ sĩ và nghệ nhân Ca Trù đã cho tôi thưởng thức một món ăn tinh thần mang đậm tính tinh hoa và bác học được xem như nhạc thính phòng thuần túy của Việt Nam của nghệ thuật Ca Trù – một di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận và cần phải bảo vệ khẩn cấp. Tôi cũng vô cùng xúc động và cảm kích với sự đóng góp của các nghệ sĩ, nghệ nhân dù đã tuổi cao nhưng vẫn say sưa và tâm huyết với loại hình nghệ thuật truyền thống này của dân tộc. Tôi hy vọng các nghệ sĩ và nghệ nhân sẽ truyền lửa để các bạn sinh viên của Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật TP.HCM nói riêng và các khán giả trẻ có mặt tại khán phòng sẽ thẩm thấu để có thể kế thừa và phát triển nghệ thuật tinh hoa Việt vô cùng giá trị này. Các bạn chính là người tạo ra giá trị không chỉ cho việc bảo tồn và phát triển nghệ thuật Ca Trù mang tính bác học này mà còn tạo ra giá trị của con người các bạn ! Tôi đã, đang và sẽ cùng đồng hành với các bạn nhé !”
Ca trù là một loại hình nghệ thuật được diễn xướng bằng âm điệu thính phòng cùng sự phối hợp nhuần nhuyễn tuyệt diệu giữa thi ca và âm nhạc. Ca trù gắn liền với văn chương, âm nhạc, tư tưởng, triết lý sống của người Việt. Trên hành trình khẳng định chính mình, Ca trù đã bước vào hầu hết các mặt của đời sống, khẳng định giá trị độc lập và độc đáo bằng nét vẽ dân gian cùng âm nhạc trong bức tranh chung của văn hóa dân tộc. Âm nhạc trong ca trù là thế giới tuyệt vời của những cung bậc cảm xúc, là nơi thăng hoa tột đỉnh của tâm hồn. Những ý tứ trong từng chi tiết dẫu nhỏ nhưng toát lên ý nghĩa lớn mang tinh thần nhân văn sâu sắc của dân tộc được hiện hữu trong những chương trình giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam.
Ca trù – Tinh hoa Việt tạm khép lại và sẽ mở ra nhiều chương trình âm nhạc dân tộc phía trước. Rất mong nhận được sự thương yêu và đồng hành của quý Thầy cô, các anh chị và các bạn.
Tin bài: Kim Trang
Hình ảnh: